Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Chăm sóc bệnh nhân bị tiêu chảy

Mỗi khi mùa mưa lũ đến người dân quê tôi lại phải chống chọi với dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy. Tôi đọc sách thấy nói, khi bị tiêu chảy việc cần thiết là phải bù nước, ăn ít đi. Xin hỏi có đúng không?

Hoàng An (Lào Cai)

Khi bị tiêu chảy, cơ thể mất nước và mất điện giải cho nên cái cần thiết nhất là phải tìm cách bù nước. Nước để bù tốt nhất là dung dịch oresol được pha đúng liều lượng hướng dẫn. Dung dịch oresol được bán rất nhiều ở các nhà thuốc. Khi đang bị tiêu chảy, “ăn ít nhưng ăn nhiều bữa” thức ăn mềm dễ tiêu (cháo, súp) và bù đủ nước (uống theo nhu cầu) nhưng không uống nước ngọt đóng hộp.

Nhiều người khi tiêu chảy lại chỉ ăn cơm với muối trắng, cháo muối hay cháo đường. Điều này là sai lầm vì như thế sẽ khiến cơ thể nhanh chóng suy dinh dưỡng, giảm khả năng lành bệnh và chống đỡ sự tấn công của những loại vi khuẩn khác. Bệnh nhân tiêu chảy vẫn cần ăn đủ chất và năng lượng: đạm, khoáng chất, vitamin... từ thịt, cá, trứng, đậu sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục. Trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục bú vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cùng những yếu tố chống bệnh; vẫn tiếp tục ăn và uống sữa bình thường, không pha loãng nhưng nên chia nhỏ bữa ăn.

Thực phẩm cần tránh là những loại nhiều chất xơ, thực phẩm chứa nhiều đường (nước ngọt, nước trái cây, mật ong, kẹo bánh ngọt...). Nên ăn sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.

BS. Văn Bàng

Làm gì khi bị khản giọng?

Em làm giáo viên cấp 2, thời gian gần đây thỉnh thoảng em bị khàn giọng mất tiếng khiến cho việc giảng dạy và giao tiếp khó khăn. Xin bác sĩ cho biết cách khắc phục và phòng bệnh.

Nguyễn Dương (Bắc Ninh)

Tình trạng khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản gây cho người bệnh nhiều khó chịu, phiền toái trong cuộc sống cũng như công việc. May mắn là có nhiều thảo dược có thể điều trị chứng bệnh này.

Những người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như: người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng,... dây thanh dễ bị kích ứng quá mức, dẫn đến viêm thanh quản. Bên cạnh đó, khi phải làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm, hay bị nhiễm cúm, thời tiết thay đổi, hút thuốc, uống rượu... cũng dễ làm dây thanh âm bị tổn thương, gây viêm thanh quản.

Khi bị khản tiếng cần hạn chế nói, cố gắng giới hạn càng nhiều càng tốt. Súc miệng nhiều lần, thậm chí mỗi giờ, với nước trà pha đậm có chút muối ăn. Có thể pha nước ấm với chút mật ong thì càng tốt. Đối với trường hợp có đờm thì ngâm ít lát củ hành trong nước ấm vài giờ. Đối với nam giới không hút thuốc vì thuốc lá là yếu tố phá hủy tác dụng của tất cả biện pháp nêu trên. Hằng ngày uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, mát, kiêng chất kích thích, gia vị cay nóng. Để phòng tránh mất tiếng, bảo vệ thanh quản cần tránh bị lạnh, mặc quần áo đủ ấm nếu phải làm việc nhiều giờ trong phòng quá lạnh, quan trọng nhất là phần cổ, không nên uống nước quá lạnh, hay quá nóng.

Nếu khản tiếng kéo dài hơn hai tuần hoặc có kèm theo các dấu hiệu khác thường như: khó nuốt, khó thở, sốt cao... cần đến bác sĩ để khám và điều trị cụ thể.

BS. Nguyễn Thị Bích

Dấu hiệu mắc sốt xuất huyết

Đặng Thị Liên (danglien1297@gmail.com)

sot xuat huyet

Sốt trong bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm là sốt đột ngột bất thình lình; Sốt cao, nhiệt độ lên tới 39-40 độ hoặc cao hơn; Sốt liên tục, liên miên ngày đêm không lúc nào ngưng, có dùng thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm một lát lại tăng lên. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày và rất đa dạng như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc…Xuất huyết dưới da biểu hiện chấm xuất thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách ngực, thắt lưng…; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đại tiện ra máu; ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo (kinh nguyệt trước kỳ). Nếu bệnh nhẹ sẽ khỏi sau 7-10 ngày... Tuy nhiên, có một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trở nặng có thể diễn tiến đến sốc xuất huyết rất nguy hiểm. Một số trường hợp tổn thương các cơ quan nội tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Điều cần lưu ý là có tới 4 typ virut gây sốt xuất huyết, do vậy, người bệnh mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị mắc. Vì vậy, cần biết cách phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết bằng cách: nghĩ ngay đến sốt xuất huyết khi sốt liên miên, uống thuốc hạ sốt bớt rồi lại sốt, không ho, không sổ mũi, đặc biệt là đau bụng. Trường hợp của cháu đã dùng thuốc hạ sốt 2 ngày không đỡ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế.

BS. Trần Kim Anh

5 Yếu tố làm tăng nguy cơ suy giáp

Dưới đây là 5 yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy giáp.

Bệnh tự miễn

Một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến của suy giáp là bệnh tự miễn trong đó cơ thể sản sinh các kháng thể chống lại tuyến giáp dẫn tới giảm bài tiết hormon tuyến giáp. Trong số nhiều bệnh tự miễn, bệnh Grave và viêm tuyến giáp Hashimoto là khá phổ biến.

Thiếu i-ốt

Chế độ ăn thiếu i-ốt là một yếu tố nguy cơ gây suy giáp. Vì phần lớn mọi người hiện nay đã sử dụng muối i-ốt, nguy cơ này đã giảm nhưng ở những khu vực khẩu phần i-ốt thấp, nguy cơ này vẫn cao. Do vậy, hãy dùng muối i-ốt để giảm nguy cơ suy giáp.

Tiểu đường týp 1

Không giống tiểu đường týp 2, tiểu đường týp 1 là bệnh di truyền do tự miễn. Vì vậy, những người bị tiểu đường thanh thiếu niên có nguy cơ cao do kháng thể tự miễn.

Mãn kinh

Vì mãn kinh gây ra nhiều thay đổi hormon trong cơ thể, đặc biệt khi bạn ở độ tuổi 50, nguy cơ suy giáp cũng tăng. Ngoài ra, một số phụ nữ có thể bị suy giáp tạm thời sau khi mang thai.

Thay đổi tuyến yên

Mặc dù không khá phổ biến, những thay đổi trong hoạt động của tuyến yên có thể dẫn tới giảm bài tiết hormon tuyến giáp. Nguyên nhân là vì tuyến yên điều chỉnh sự bài tiết của TSH (hormon kích thích tuyến giáp), từ đó khiến bạn tăng nguy cơ bị suy giáp.

BS Cẩm Tú

(Theo THS/ Univadis)

9 nguy cơ dễ làm khởi phát bệnh gút

Bệnh gút là một dạng đau đớn tột cùng của bệnh viêm khớp, thường ảnh hưởng đến khớp ngón cái của bàn chân và các khớp khác. Các yếu tố dinh dưỡng (chẳng hạn như thịt đỏ và rượu), có thể gây ra cơn đau gút. Tuy nhiên, một số loại thuốc và tình trạng sức khỏe hoặc thói quen sinh hoạt có thể làm khởi phát cơn đau do bệnh gút.

Mất nước

Mất nước gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, và bệnh gút là một trong số những bệnh chịu ảnh hưởng do mất nước. “Mất nước có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu và ở những người dễ bị tăng như vậy có thể đóng góp cho một đợt cấp bệnh gút” - TS. Theodore Vanitallie, giáo sư tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ cho biết. Hằng ngày, cần uống đủ nước với 6-8 ly nước lọc mỗi ngày, đặc biệt là nếu bạn đang mắc bệnh gút hoặc có các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác của bệnh gút.

Thừa cân béo phì

Thừa cân và béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh gút. Nghiên cứu cho thấy, thừa cân và béo phì tạo điều kiện hình thành bệnh gút, do kích thích cơ thể tạo ra acid uric và ngăn chặn sự bài tiết acid uric ra khỏi cơ thể. Nếu thừa cân hay béo phì, giảm cân ngay có thể làm giảm nguy cơ bệnh gút. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, chỉ số khối cơ thể (BMI) ở người Nam Á nên từ 18,5 - 23. Nếu chỉ số BMI trên 23 là thừa cân và trên 25 là bị béo phì. Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh là một bước quan trọng để kiểm soát lượng acid uric máu.

bệnh gútBệnh gút xảy ra do lắng đọng tinh thể acid uric kết tinh ở các khớp và làm tổn thương các khớp.

Mãn kinh

Tăng nguy cơ bệnh gút có thể là một hậu quả không mong muốn của thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân do estrogen - một hormon giúp thận bài tiết acid uric, giảm xuống trong và sau thời kỳ mãn kinh. Tác dụng bảo vệ của estrogen cũng là lý do phụ nữ trước khi mãn kinh ít có khả năng bị bệnh gút so với nam giới. Phụ nữ sau khi mãn kinh nên cẩn thận để tránh các yếu tố nguy cơ khác của bệnh gút. Theo một số nghiên cứu, có thể hạn chế bệnh gút bằng cách tiêu thụ cà phê và vitamin C.

Chấn thương

Một chấn thương nhỏ như va chạm ngón chân cái có thể tạo điều kiện phát triển bệnh gút. Khớp bị chấn thương làm cho acid uric dễ lắng đọng hơn và có thể dẫn đến một đợt cấp của bệnh gút. Thoái hóa khớp, thường gặp ở người lớn tuổi, cũng liên quan với bệnh gút. Vì vậy, cố gắng tránh chấn thương ngón chân hoặc ngón tay, xoắn mắt cá chân hoặc các vi chấn thương liên tục trên một khớp.

Mang giày không vừa, không thoải mái

Mặc dù vẫn chưa có một nghiên cứu về tác dụng của đôi giày với nguy cơ bệnh gút, mang giày không thoải mái không tốt cho sức khỏe, nhất là bệnh tim mạch. Nếu cơ thể đang trong tình trạng có tăng acid uric máu, mang giày chật, không vừa bàn chân và không thoải mái dễ gây những lực nén không tốt trên các khớp bàn chân, tạo điều kiện lắng đọng acid uric ở các khớp bị thương tổn kéo dài do chèn ép, dễ dẫn đến bệnh gút. Phụ nữ nên lựa chọn giày gót thấp để giảm bớt các lực ép trên các ngón chân hoặc hạn chế thời gian đi giày cao gót.

Tiền sử gia đình

Tiền sử gia đình là một yếu tố có tác động lớn đến nguy cơ bệnh gút nằm ngoài kiểm soát của cá nhân. Khoảng 20% bệnh nhân bị gút có tiền sử gia đình mắc bệnh gút. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị gút, cần phải nhận thức rõ các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là khi bạn có tuổi. Đàn ông vào độ tuổi 40 có nguy cơ cao nhất của bệnh gút, phụ nữ sau mãn kinh cũng gia tăng nguy cơ bị bệnh gút. Nên tránh các yếu tố nguy cơ và thực phẩm dễ hình thành bệnh gút.

Thuốc lợi tiểu thiazide

Những loại thuốc uống này làm tăng bài tiết nước tiểu để giúp kiểm soát tăng huyết áp. Do thận kéo chất lỏng ra khỏi cơ thể kèm tăng đào thải acid uric, dẫn đến làm tăng nguy cơ tái tạo của acid uric trong cơ thể và nguy cơ gây ra bệnh gút. Thuốc lợi tiểu thiazide có thể gây ra sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Các triệu chứng của mất cân bằng bao gồm cảm giác khát nước, khô miệng, buồn ngủ, lú lẫn, co giật, tăng nhịp tim và giảm lượng nước tiểu. Tăng nồng độ acid uric do việc sử dụng các thuốc lợi tiểu thiazide có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành và nhồi máu cơ tim (theo HealthCentral.com).

Aspirin

Aspirin, còn gọi acid acetylsalicylic, là một thuốc kháng viêm và giảm đau có thể làm thay đổi nồng độ acid uric máu và hình thành bệnh gút. Dùng liều thấp aspirin, sử dụng không thường xuyên, có thể gây ra sự gia tăng nồng độ acid uric, nhưng với liều cao của aspirin có thể làm giảm nồng độ acid uric máu.

Thuốc chống thải ghép

Thuốc chống đào thải mảnh ghép, như cyclosporin, có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Các loại thuốc này làm tăng sự sống còn của người đã trải qua phẫu thuật ghép tạng, như tim, thận và tủy xương. Cyclosporine cũng có thể chữa các bệnh như viêm khớp dạng thấp và bệnh vẩy nến. Rối loạn chức năng thận có thể xảy ra khi dùng thuốc chống đào thải mảnh ghép, khi thận bị thương tổn làm mất khả năng loại bỏ hiệu quả acid uric ra khỏi cơ thể, có thể làm nồng độ acid uric máu tăng.

Acid uric là một sản phẩm từ quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể. Nếu cơ thể có quá nhiều purin, do khuynh hướng tự nhiên hoặc do ăn các loại thực phẩm giàu purin, dẫn đến acid uric trong máu tăng. Bệnh gút xảy ra do lắng đọng tinh thể acid uric kết tinh ở các khớp và làm tổn thương các khớp. Người bệnh có các triệu chứng đau, viêm và sưng. Ngoài ra, dùng một số thuốc hoặc tình trạng sức khỏe của cơ thể hoặc thói quen sinh hoạt có thể làm tăng nồng độ acid uric máu, dễ dẫn đến bệnh gút.

TS.BS. Lê Thanh Hải

((Theo Livestrong.com và Health.com))

Hạch sưng vùng cổ gáy

Hạch bạch huyết vùng cổ gáy bị sưng không phải là hiếm gặp và thường xảy ra ở trẻ em, ngay cả khi không có bệnh hoặc không có nguyên nhân rõ ràng. Trong khi hầu hết các trường hợp hạch lympho vùng cổ gáy tự hạn chế kích thước hoặc biến mất nhưng một số vẫn có thể tồn tại lâu hơn và có thể cần quản lý chặt chẽ hơn. Trong nhóm này, các hạch lympho vùng thượng đòn có ý nghĩa đặc biệt, sự lớn lên và lan tràn của những hạch vùng này có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại vì nó thường liên quan đến ác tính và cần đánh giá cẩn thận cũng như can thiệp sớm.

Nguyên nhân xuất hiện hạch nổi ở vùng cổ gáy

Nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng hạch vùng cổ gáy là do bệnh nhiễm khuẩn. Hạch bạch huyết vùng cổ gáy nhận được dịch bạch huyết từ cổ và đầu. Khi có một nhiễm khuẩn ở đầu cổ, hạch bạch huyết sẽ thu thập và tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn. Trong quá trình này, các hạch bạch huyết có thể sưng lên cho thấy cơ thể bị nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn vùng răng lợi, cổ họng, đường hô hấp trên hoặc nhiễm virut. Các triệu chứng bao gồm đau sưng hạch và sốt. Thông thường, sưng hạch vùng cổ gáy sẽ biến mất sau khi hết nhiễm khuẩn. Nếu hạch bạch huyết vùng cổ gáy vẫn còn sưng và các triệu chứng kèm theo vẫn tồn tại kéo dài sau khi hết nhiễm khuẩn là dấu hiệu không thể xem thường.

Bệnh tự miễn dịch và các loại bệnh khác dẫn đến sự suy giảm miễn dịch, có thể gây ra các hạch bạch huyết vùng cổ gáy sưng lên. Những bệnh hệ thống như bệnh viêm khớp dạng thấp, HIV/AIDS và luput ban đỏ hệ thống (SLE). Sưng hạch cũng có thể ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết ở các vùng khác trong cơ thể.

Hạch sưng vùng cổ gáy Các hạch lympho vùng cổ gáy.

Dùng một số thuốc như carbamazepin và phenytoin có thể dẫn đến các hạch bạch huyết vùng cổ gáy bị sưng. Tiêm chủng gây ra các hạch bạch huyết vùng cổ gáy sưng bao gồm tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh thương hàn, quai bị, sởi. Sưng hạch chỉ là tạm thời trong những trường hợp này.

Ung thư: Chất lỏng bạch huyết có thể thu thập và vận chuyển tế bào ung thư đến các hạch bạch huyết. Khi ung thư lan đến cổ và đầu, chúng gây ra các hạch bạch huyết sưng lên. Cần sinh thiết hạch lympho để tìm nguyên nhân thực sự của sưng hạch vùng cổ gáy và can thiệp sớm.

Chẩn đoán phân biệt sưng hạch vùng cổ gáy

Các bác sĩ sử dụng các tính chất của các hạch lympho sưng để xác định nguyên nhân, cụ thể:

Các hạch bạch huyết bị sưng vì nhiễm khuẩn rất đau, mềm và di động được.

Các hạch bạch huyết do ung thư: ít hoặc không đau đớn, cứng, cố định không di động.

Một số triệu chứng giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết bao gồm giảm cân, sốt, mệt mỏi và đổ mồ hôi vào ban đêm. Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết trước khi kết luận chẩn đoán.

Khi nào sưng hạch vùng cổ gáy cần đến ngay bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ nếu: Các hạch bạch huyết sưng mà không có bất kỳ bệnh lý nào đi kèm; Sưng hạch đi kèm với giảm cân, sốt dai dẳng hoặc đổ mồ hôi quá nhiều vào ban đêm; Sưng hạch có tính chất cứng, không đau và cố định không di động; Các hạch bạch huyết vùng cổ gáy sưng đau đi kèm các vấn đề về hô hấp, khó nuốt hoặc đau họng; Sưng tấy hạch tiếp tục tăng và kéo dài 2-4 tuần.

Xử trí sưng hạch vùng cổ gáy

Các lựa chọn điều trị cho các hạch bạch huyết bị sưng vùng cổ gáy thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Nếu nhiễm khuẩn gây ra sưng hạch bạch huyết, thông thường sẽ sử dụng kháng sinh và cơ thể sẽ trở lại bình thường khi nhiễm khuẩn được giải quyết.

Rối loạn miễn dịch: Điều trị các hạch bạch huyết bằng cách điều trị bệnh chính như viêm khớp dạng thấp và luput ban đỏ hệ thống.

Ung thư: Các phương pháp điều trị được sử dụng phụ thuộc vào loại ung thư và bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.

Giải pháp ban đầu tại nhà

Một số biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể sử dụng để điều trị các hạch bạch huyết bị sưng vùng cổ gáy, bao gồm:

Chườm nóng: nhúng một khăn lau trong nước nóng, vắt và sau đó chườm để làm giảm sưng hạch lympho vùng cổ gáy.

Thuốc giảm đau: có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê toa để giảm sốt và đau. Một số thuốc giảm đau đề nghị bao gồm ibuprofen, acetaminophen.

Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đủ mỗi ngày sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn tình trạng sưng hạch bạch huyết vùng cổ gáy.

BS. Nguyễn Hải Lê

Loại bỏ ổ muỗi truyền sốt xuất huyết ngay trong nhà

Cửa phải có nắp đậy thật khít và chặt, nếu để hở sẽ tạo điều kiện cho muỗi sốt xuất huyết bay vào sinh sản, phát triển và truyền bệnh cho chính những người trong gia đình của mình.

Bể nước treo có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Bể nước treo có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (ảnh minh họa).

Trên thực tế, có một số hộ gia đình dùng bể nước treo bơm nước từ dưới lên nhằm tạo ra áp lực cao để nước có thể chảy qua đường ống dẫn đến nơi sử dụng nhưng nếu bể chứa nước không có nắp đậy hoặc có nắp nhưng không đậy kín hay vô tình bị gió mạnh thổi làm bay nắp sẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và lây lan bệnh. Nhân viên y tế dự phòng đã kiểm tra, giám sát thực địa phát hiện nhiều bọ gậy và lăng quăng muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết trong loại dụng cụ chứa nước sinh hoạt này. Vì vậy, để phòng ngừa các trường hợp sử dụng bể nước treo làm nơi sinh sản của muỗi, có thể thực hiện những biện pháp sau đây:

Polystyrene:

Đổ một lớp hạt nở polystyrene che phủ toàn bộ mặt nước với tác dụng ngăn không cho muỗi sinh sản và giảm sự bốc hơi nước. Có thể thả hạt nở vào các bể nước có ống dẫn nước ở phía dưới nhưng nếu mực nước rút xuống bằng với miệng ống thì hạt nở sẽ chui vào làm tắc ống; để khắc phục tình trạng này có thể bịt miệng ống dẫn nước bằng lưới hoặc làm miệng ống cong xuống phía dưới. Với cách thứ hai làm miệng ống cong xuống phía dưới, những chất bẩn nổi trên mặt nước của bể chứa sẽ được ngăn chặn lại không thoát vào miệng ống dẫn nước. Tuy vậy nhưng bể nước cũng cần phải đậy lại để ngăn không cho chim, chồn, sóc, chuột, thằn lằn... có thể đi trên lớp hạt nở nổi trên mặt nước.

Methoprene:

Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là biện pháp khá an toàn xử lý nguồn nước dùng để ăn và sinh hoạt. Hoạt chất methoprene phân chia khá nhanh ở trong nước, bánh hóa chất chứa từ 1,8 đến 8% methoprene và các hạt hóa chất có những nồng độ khác nhau được sản xuất để duy trì hiệu quả lâu dài. Trong bể chứa nước, bánh hóa chất cũng có khả năng phân tán methoprene chậm và có tác dụng hiệu quả diệt ấu trùng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thời gian khoảng 5 tháng nhưng giá thành thường cao hơn loại hóa chất temephos.

Bacillus thuringiensis:

Tạo ra độc tố diệt ấu trùng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết rất hiệu quả sau khi ấu trùng muỗi ăn phải loại vi khuẩn này. Với liều lượng sử dụng bình thường, Bacillus thuringiensis không gây hại đến các loài côn trùng và sinh vật khác, kể cả con người. Sản phẩm được sản xuất dưới dạng bột thấm nước và hạt, gần đây có thêm dạng bánh không mùi vị, khá an toàn để xử lý nước ăn và sinh hoạt; khi thả xuống bể chứa nước chúng có khả năng nổi trên mặt nước và phân tán chậm với hiệu quả tác dụng trong khoảng thời gian 30 ngày.

Cá diệt ấu trùng muỗi:

Một số loài cá ăn ấu trùng muỗi có thể thả vào bể chứa nước lắp đặt ở vị trí có bóng râm và không có sự thay đổi lớn về nhiệt độ. Tuy nhiên khi thả cá, cần phải cung cấp thêm cho chúng một lượng thức ăn tối thiểu và phù hợp. Cá sử dụng phải sống được trong thời gian dài với ít thức ăn và thích nghi được với sự thay đổi nhiệt độ của môi trường và phải có sẵn cá để thả bổ sung vào bể nước. Thường các loại cá muỗi (Gambusia affinis) và cá guppy (Poecilia reticulata) được cho là thích hợp nhất để thả vào bể chứa nước vì chúng dễ nuôi với số lượng lớn. Ở Trung Quốc, người dân dùng loài cá trê (Clarias fuscus) đã cho có kết quả tốt vì chỉ cần thả một con cá vào bể chứa nước với dung tích từ 20 đến 100 lít nước là đủ vì cá có khả năng sống lâu nhưng nên có biện pháp ngăn không cho cá nhảy khỏi bể chứa nếu mức nước cao. Tại Somali, người dân lại thường dùng loại cá rô phi (Oreochromis spiluris) để diệt ấu trùng muỗi có hiệu quả trong các bể chứa nước và chỉ cần thả một con cá là đủ cho một bể chứa có thể tích 3 mét khối nước.

Các hộ gia đình khi thiết kế lắp đặt bể nước treo bơm nước từ dưới lên qua hệ thống ống dẫn xuống các nơi cần thiết trong nhà để sử dụng nguồn nước ăn uống và sinh hoạt cần phải lưu ý đến trường hợp bể chứa nước sẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và lây nhiễm bênh. Vì vậy nên chọn một trong các biện pháp đã được nêu trên để chủ động ngăn chặn và góp phần phòng bệnh.

BS. NGUYỄN VÕ HINH

Chăm sóc bệnh nhân bị tiêu chảy

Mỗi khi mùa mưa lũ đến người dân quê tôi lại phải chống chọi với dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy. Tôi đọc sách thấy nói, khi bị tiêu chảy ...